Vì sao phe Cộng hòa nhất quyết bảo vệ ông Trump?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị kết tội hình sự ở New York, nhưng điều đó khó có thể tạo ra nhiều khác biệt đối với đảng Cộng hòa (GOP), khi các chính khách GOP nhiều lần tỏ ra sẵn sàng tha thứ cho ông trước mọi cáo buộc, dù nặng đến đâu.

Trang Project Syndicate nhận định, vị thế của ông Trump có vẻ không mạnh như nhiều người kỳ vọng. Trên thực tế, vị trí dẫn đầu của ông trong các cuộc thăm dò dư luận vẫn nằm trong giới hạn sai sót và tại các cuộc bầu cử sơ bộ đang tiếp diễn của GOP, ông tiếp tục để mất 10 – 20% số phiếu ủng hộ về tay Nikki Haley, người từ hơn 2 tháng trước đã bỏ cuộc đua giành chiếc vé đại diện đảng “đấu chung kết” với đại diện đảng Dân chủ vào Nhà Trắng năm nay.

Nếu không có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông cánh hữu như Fox News, các ứng cử viên độc lập và bên thứ ba, mức tín nhiệm của ông Trump có thể sẽ còn tệ hơn nhiều so với hiện nay.

Tuy nhiên, các thành viên cấp cao của GOP, bao gồm cả những người từng gay gắt chỉ trích ông Trump, đang nỗ lực để có được thiện cảm của cựu tổng thống trước ngày tổng tuyển cử 5/11. Giới phân tích đánh giá, động lực của họ không hẳn vì “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) như khẩu hiệu tranh cử từ năm 2016 của ông Trump.

Để hiểu rõ lí do thật sự cho điều này, cây bút bình luận Reed Galen đã trích dẫn một số ví dụ về “sự quay ngoắt thái độ” của các chính khách GOP, kể cả cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Mặc dù đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ ông Trump khỏi những hành vi xấu khi còn đương chức nhưng ông Barr đã chĩa búa rìu công kích vào cựu lãnh đạo Nhà Trắng sau khi ông Trump cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Thời điểm đó, ông Barr mô tả hành động của ông Trump là “đáng khinh” và cựu tổng thống “không nên ở gần Phòng Bầu dục”.

Tuy nhiên, ông Barr hiện có giọng điệu rất khác. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fox News, cựu Bộ trưởng Tư pháp khẳng định bản thân dự định bỏ phiếu bầu cho ông Trump vào tháng 11. Ông Barr cũng ca ngợi những ưu điểm của “lý thuyết điều hành thống nhất”, một quan điểm cho rằng nếu tổng thống làm điều gì đó khi tại nhiệm thì việc đó là hợp pháp.

Trước những chỉ trích về quyết định ủng hộ ông Trump tái tranh cử tổng thống, ông Barr quả quyết bản thân từ lâu đã nói rằng giữa “hai lựa chọn tồi”, “nghĩa vụ” của ông là chọn ứng cử viên mà mình tin “sẽ ít gây hại nhất cho đất nước nhất” và điều đó đồng nghĩa bỏ phiếu cho gương mặt đại diện GOP.

Song, một số ý kiến cáo buộc hành động của ông Barr mang động cơ cá nhân. Cựu quan chức này hiểu rõ, nếu tái đắc cử vào tháng 11, ông Trump sẽ thực hiện lời cảnh báo trước đây về việc trừng phạt những người đã chống lại ông cả về mặt cá nhân và chính trị. Ông Barr rõ ràng không muốn vào tù hay hứng chịu những hậu quả tồi tệ khác. Vì ông Trump trước đó đã tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho “những kẻ phản bội” công khai “ăn năn, hối lỗi” nên ông Barr có thể cố gắng để được hưởng “khoan hồng”.

Một trường hợp khác là Thượng nghị sĩ bang Oklahoma James Lankford, người gần đây vẫn lên tiếng bênh vực ông Trump mặc dù bị cựu tổng thống công kích vì vai trò trong đàm phán dự luật nhập cư lưỡng đảng. Ông Lankford có thể giải thích việc bản thân đứng về phía cựu lãnh đạo Nhà Trắng vì những khác biệt về chính sách với đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Song, theo giới quan sát, có vẻ điều thực sự quan trọng đối với chính khách này là ngăn chặn sự xuất hiện của một đối thủ mạnh ở bang quê hương ông, vốn luôn trung thành với đảng GOP.

Theo nhà báo McKay Coppins của tạp chí The Atlantic, còn một lí do nữa khiến ông Barr, ông Lankford và những người khác, chẳng hạn như Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu, sẵn sàng công khai “quay ngoắt thái độ” như vậy. Đó là việc chống lại ông Trump đòi hỏi đảng GOP phải rời bỏ “hệ sinh thái xã hội và chính trị của họ”.

Ông McKay Coppins lập luận, các chính khách GOP đều là sản phẩm của một phong trào không ngần ngại thanh trừng những người không thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với lãnh đạo đảng. Dù có được gọi là Trump, MAGA hay “nước Mỹ trước tiên”, đó vẫn là phong trào không chấp nhận sự bất đồng trong hàng ngũ GOP. Ngay cả cựu ứng viên tổng thống Haley hiện cũng thông báo bà sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.

Nhiều chính khách GOP đã lên án ông Trump khi cho rằng cựu tổng thống sẽ không trỗi dậy lần nữa và họ dự kiến ​​sẽ không phải chịu tổn hại nào khi điều đó phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và chính trị của mình. Nói cách khác, quay lưng lại với ông Trump chỉ là một tính toán ngắn hạn. Vì vậy, việc quay lại ủng hộ ông không gì khác hơn là sự hợp lý hóa liên tục vị thế của họ trong hệ sinh thái MAGA và nội bộ đảng GOP.

Không chỉ các chính trị gia mới tìm tới phong trào MAGA. Tầng lớp giàu có của GOP, vốn từng coi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis là giải pháp thay thế sớm, đã quay trở lại hậu thuẫn ông Trump dưới danh nghĩa ủng hộ các chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và chấm dứt tình trạng nhập cư trái phép “ngoài tầm kiểm soát”. Các trùm tài phiệt của Mỹ thích cựu tổng thống vì cũng giống họ, ông Trump đang hành động theo cách giao dịch thuần túy. Do đó, họ tin rằng ông Trump sẽ để họ yên nếu trở lại Nhà Trắng lần nữa.

Nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại khi tương lai của nước Mỹ nằm ở vị trí thấp trong danh sách các mối quan tâm hoặc tính toán của các chính khách GOP hiện nay, trong bối cảnh họ đang tái tập hợp xung quanh ông Trump.

Dư luận hiện vẫn chờ xem các diễn biến tiếp theo khi ông Trump dự kiến sẽ bị tòa án New York tuyên án vào ngày 11/7 tới đây vì 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016. Động thái sẽ diễn ra chỉ 4 ngày trước khi đại hội toàn quốc của GOP khai mạc ở Wisconsin, nơi ông Trump dự kiến sẽ chính thức được công bố là ứng cử viên tổng thống đại diện đảng năm nay.

Scroll to top